Thêm động lực cho công nghiệp hỗ trợ

Theo các chuyên gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những giải pháp quan trọng nhất giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy nhanh quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ…

Coi CNHT là ngành trọng yếu

Xác định tầm quan trọng của CNHT, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình phát triển CNHT. Qua đó, các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô... Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020.

Ông Vũ Kim Hùng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DN nhỏ và vừa (SISME) - cho rằng: Hiện tại, do những đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của DN nhỏ và vừa nên các DN rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Hơn nữa, như ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã chỉ ra, đó là chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. “Trong bối cảnh này, điều phải bàn là cần các cơ chế, chính sách phát triển mạnh CNHT, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở, từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hóa thị trường. Cụ thể, xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển CNHT, phát triển DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển DN tư nhân trong nước, đẩy mạnh cải cách khu vực DN nhà nước…” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cú huých từ chính sách

Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT được đánh giá là cú huých tạo tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới. Các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời sẽ thúc đẩy sự phát triển của CNHT, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Cụ thể hóa Nghị quyết 115, gần đây, Bộ Công Thương đã khai trương Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) và Trung tâm Kỹ thuật khuôn mẫu. Việc chính thức khai trương này đánh dấu bước tiến nổi bật của Bộ Công Thương trong đồng hành, hỗ trợ DN trong nước, trở thành cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao hay nhà cung ứng tiềm năng của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

“Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho DN thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm CNHT” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận và kỳ vọng các trung tâm này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao tại Việt Nam.

Nghị quyết 115 của Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 30%.

Nguồn: https://congthuong.vn/them-dong-luc-cho-cong-nghiep-ho-tro-150891.html

10/9 Đường số 17, Phường Long Thạnh Mỹ, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
HOTLINE(84-28) 3725 2476
Chat