Các doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí đang thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối, liên kết để phát triển sản phẩm cơ khí "Made by Vietnam".
Loay hoay trong khó khăn
Cả nước hiện có khoảng 25.000 DN cơ khí, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, có rất ít thương hiệu nổi bật. Các DN đa số là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh.
Riêng ngành cơ khí được xác định là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và chiếm tỷ trọng 19,41% toàn ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh. Thời gian qua, ngành cơ khí luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm, chiếm tỷ trọng trên 28% trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Đến nay, các DN cũng đã xây dựng được một số thương hiệu, sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia chuỗi cung ứng trong nước và ngoài nước như: Cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc, thiết bị, phụ tùng… Nhiều sản phẩm cơ khí của thành phố được xuất khẩu, nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.
Về tiêu thụ, thị trường trong nước chiếm hơn 57%, thị trường nước ngoài chiếm khoảng 43%. Trong đó, sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao là thế mạnh của các DN cơ khí trên địa bàn.
Tuy nhiên, trước những tác động mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 các DN ngành cơ khí nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng gặp không ít thách thức. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cơ khí TP. Hồ Chí Minh, chất lượng sản phẩm cơ khí của DN trong nước còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại; chưa có nhiều DN cơ khí lớn; chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kích cầu đầu tư
Để phát triển ngành cơ khí đúng tầm, mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương triển khai chương trình kích cầu đầu tư, nhằm hỗ trợ lãi suất cho DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đổi mới máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, giao Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí thành phố đến năm 2030.
Bên cạnh đó, khuyến khích DN kết nối hợp tác, sản xuất tiêu thụ sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa. Cụ thể, các DN trong ngành sản xuất và chế biến công nghiệp như chế biến gỗ, lương thực thực phẩm, dây cáp điện, cao su nhựa... cùng liên kết với nhau hình thành mạng lưới công nghiệp, có kế hoạch đầu tư, cam kết sử dụng thiết bị, linh kiện, máy móc được sản xuất hoàn toàn trong nước, tạo đầu ra cho các DN ngành cơ khí. Thực hiện hiệu quả hơn nữa hoạt động liên kết 4 nhà: Nhà sản xuất - nhà mua hàng - nhà trường - nhà nước; tạo đầu ra cho các DN trong hiệp hội. Nâng cao năng lực DN, đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện tại bằng các giải pháp tự động hóa, thêm sức cạnh tranh cũng như phát triển khách hàng tiềm năng cho DN hội viên.
Để thực tốt hoạt động liên kết này, Hiệp hội DN cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh sẽ đề xuất UBND thành phố có chương trình hỗ trợ ngân sách để DN tiếp cận công nghệ, các chính sách kích cầu cho DN mua máy móc, trang thiết bị "Made by Vietnam".
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu và ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy liên kết giữa các DN trong ngành; chú trọng hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành.
Theo: Ngọc Thảo ( Nguồn: https://congthuong.vn/san-pham-co-khi-made-by-vietnam-lien-ket-kich-cau-141054.html)
- Thêm động lực cho công nghiệp hỗ trợ (15.04.2021)
- Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VSIF) (11.01.2021)
- Thư mời (09.12.2020)
- Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Thiếu chiến lược tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu (10.11.2020)
- Các tỉnh thành phía Nam: Hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản (19.10.2020)